Bước sang thời kỳ hội nhập thì các Làng Nghề ở Việt Nam nói chung và Làng Nghề Làng Rùa nói riêng đã có nhiều bước phát triển trong tư duy sản xuất cũng như ý thức được việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường (BVMT)
Theo UBND xã Thanh Thùy, toàn xã có tổng số 1.785 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu. Nghề kim khí là nghề chính của xã, cung cấp việc làm cho hơn 80% người lao động trong và ngoài địa bàn. Nghề kim khí đem lại việc làm ổn định và thu nhập cao cho người dân. Năm 2014, thu nhập bình quân của người dân làm nghề lên tới 100 – 120 triệu đồng/người/năm.
“Cách mạng” với mô hình 5S
Hiện tại, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch đáng kể, giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 16,5%, tỷ trọng TTCN chiếm 83,5%. Nhìn vào sự phát triển tương đối bền vững hiện tại, khó ai có thể hình dung ra một làng nghề Thanh Thùy có tình trạng ô nhiễm môi trường điển hình trong quá khứ.
Trước năm 2013, theo khảo sát của Sở TN&MT Hà Nội, người dân Thanh Thùy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm. Nhiều chỉ tiêu môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép, như BOD5 vượt 1,86 – 7,06 lần, COD vượt 2,46 – 11,16 lần, NH4 vượt 1,1 – 7,64 lần, lượng dầu mỡ thải ra môi trường vượt 6,5 – 11 lần, Colifom vượt 12 – 30,6 lần…
Hình ảnh xưởng sản xuất Hộp đồng hồ nước ở Làng Rùa
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bắt đầu từ năm 2013, chính quyền xã với sự giúp đỡ từ Tp.Hà Nội đã triển khai dự án quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh VPEG (do chính phủ Canada tài trợ). Dự án bao gồm các hợp phần nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường để quản lý ô nhiễm công nghiệp một cách hiệu quả, với tên gọi “sản xuất sạch hơn”, gọi tắt là 5S.
Ông Lê Văn Cảnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy, cho biết: “Trước năm 2013, chính quyền cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng thực trạng ô nhiễm không được cải thiện. Các cơ sở sản xuất vẫn xen kẽ với khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ khi áp dụng 5S, các vấn đề mới dần được tháo gỡ”.
Mô hình 5S bắt đầu với cách tổ chức khoa học từ khâu quản lý mặt bằng, phân chia khu vực trong nhà xưởng (khu nguyên liệu, khu sản xuất, kho hàng…), giúp quá trình nhập, xuất nguyên liệu dễ dàng hơn. Sắp xếp lại hệ thống máy móc, bảo đảm quy trình “sản xuất một chiều”, giúp tăng tiến độ, giảm chi phí, hạn chế rơi vãi nguyên liệu. Đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, xây dựng hệ thống xử lý chất thải nước thải.
Đẩy mạnh, phát triển mô hình
Mô hình 5S được tiến hành đồng bộ, với sự đồng thuận, phối hợp ăn ý giữa người dân và chính quyền địa phương. Nhờ đó, tư duy nhận thức của người dân, các hộ làm nghề được nâng cao. Sản xuất của làng nghề có hiệu quả cao hơn, tăng năng suất lao động và tiết kiệm năng lượng hơn.
Sau hơn 2 năm áp dụng mô hình 5S vào sản xuất, lượng khí thải, nước thải từ các hộ sản xuất đã giảm thiểu rõ rệt, ý thức BVMT của người dân làng nghề được nâng lên.
Các cơ sở sản xuất chú ý hơn đến điều kiện lao động của công nhân. Người lao động tuân thủ các quy định trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế phát thải ra môi trường.
Hiện tại, 100% DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thanh Thùy đã áp dụng mô hình 5S, giúp cải thiện đáng kể môi trường làng nghề. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo – cán bộ môi trường xã Thanh Thùy: “Môi trường làng nghề đã được cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn và ATLĐ lại trở thành vấn đề nan giải”.
Được biết, để giải quyết triệt để ô nhiễm, năm 2014, dự án xử lý nước thải 30 tỷ đồng, với công suất 1.000m3/ngày đêm, đã được UBND Tp.Hà Nội phê duyệt. Nhưng do còn nhiều vướng mắc, dự án mới chỉ thực hiện được những khâu đầu tiên và… chưa hẹn ngày hoàn thành.
Với những thành công đạt được, mô hình 5S được Sở TN&MT Hà Nội đánh giá cao và dự kiến sẽ nhân rộng nhằm cải thiện môi trường làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Nhưng để đạt được kết quả như kỳ vọng, chính quyền các cấp và người dân Thanh Thùy cần phải đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình, đồng thời nhanh chóng cải thiện ATLĐ trong sản xuất.